Cẩm Hà cũng như nhiều vùng làng quê khác của huyện Cẩm Xuyên, cư dân được hình thành và phát triển trong quá trình mở mang bờ cỏi của các triều đại phong kiến. Theo nhiều gia phả, tộc phả của các dòng họ để lại thì cư dân có mặt sớm nhất vào đây đầu thế kỷ XIII (năm 1226) thời Vua Trần Cảnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên đất Cẩm Hà có 39 dòng họ, chi họ; đại bộ phận đến đây vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII thời kỳ các triều đại phong kiến có nhiều biến động lớn, nhiều nghĩa binh mang theo gia đình rồi ở lại lập nghiệp ở đây, một bộ phận từ các xã khác tới như các xã Cẩm Nam, Cẩm Phúc, Cẩm Long, Cẩm Nhượng và một bộ phận đến đây do quá trình giao lưu buôn bán ở lại lập nghiệp vì nơi đây có chợ Lụi nơi giao lưu buôn bán tấp nập, như vậy cư dân Cẩm Hà được hình thành từ nhiều nguồn do đó trong sinh hoạt văn hóa mang tính đa dạng và phong phú.
Năm 1836 vua Minh Mạng tách huyện Hà Hoa thành 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, Cẩm Xuyên gồm có 3 tổng: Vân Tán, Mỹ Duệ và Thổ Ngọa, Cẩm Hà thuộc tổng Thổ Ngọa. Từ tháng 9 năm 1945, Đảng ta giành được chính quyền, Cẩm Hà bắt đầu có nhiều thay đổi và tên gọi cũng thay đổi theo, xã Phượng Hoàng được đổi tên thành xã Hà Huy Tập, lấy tên đồng chí Tổng Bí Thư đặt tên cho xã. Sau hòa bình lập lại năm 1954 Nhà nước chủ trương tách thành các xã nhỏ xã Hà Huy Tập tách thành 2 xã Cẩm Sơn và Cẩm Hà từ đó Cẩm Hà trở thành đơn vị hành chính độc lập cho đến ngày nay.
Với diện tích 6,1km
2, Bắc giáp Sông Tùng, Nam giáp xã Cẩm Sơn; Đông giáp xã Cẩm Lộc phía Tây giáp Cẩm Thịnh dân số hiện nay 4543 nhân khẩu, 1244 hộ trong đó có gần 30 hộ đồng bào theo đạo Thiên chúa.

Cẩm Hà cách Thị trấn Thiên Cầm 4km theo đường chim bay, cách TP Hà Tĩnh 23km về phía Nam, cách khu Công nghiệp Vũng Áng 35 km, cách khu công nghiệp Thạch Khê 25 km. Đay là những yếu tố thuận lợi trong quá trình giao lưu buôn bán và phát triển kinh tế xã nhà.
Cẩm là gấm, Hà là sông, non sông gấm vóc ấy do Cha ông ta ngàn năm thêu dệt mà nên. Trải qua hàng chục năm phấn đấu và phát triển Cẩm Hà tự hào về bề dày truyền thống lịch sử của mình vì vậy có tác giả thơ không chuyên đã thốt lên rằng:
"Cẩm Hà ơi! ta mến, ta thương
Nơi mảnh đất gần ngàn năm lịch sử
Ta tự hào anh hùng trong quá khứ
Càng vững tin hướng tới tương lai"